Hà Nội đề xuất hạn chế xe xăng để bảo vệ môi trường

Hà Nội đang đề xuất quy định hạn chế xe xăng vào nội đô để bảo vệ môi trường, được giới chuyên gia và nhiều người dân ủng hộ.

Đề xuất hạn chế xe xăng để cứu môi trường

Hiện nay Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ảnh: Xuyên Đông

Nhiều người dân sẵn sàng ủng hộ

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm triển khai Luật Thủ đô năm 2024.

Theo đó, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (trừ ôtô điện, xe máy điện), khi di chuyển vào vùng phát thải thấp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải.

Mặc dù còn băn khoăn, song nhiều người dân bày tỏ ủng hộ chủ trương của thành phố. Chị Mai Ngọc Huyền ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, hiện nay chị đi làm ở quận Hoàn Kiếm bằng xe máy chạy xăng. Mặc dù đây là phương tiện phổ thông và rẻ, tuy nhiên bản thân chị cảm thấy mệt mỏi bởi khói xe mỗi khi ra đường. Nhất là những hôm trời nắng nóng, dừng đèn đỏ chị cảm thấy ngộp thở.

“Nếu thành phố hạn chế xe xăng, gia đình tôi sẽ phải bỏ chi phí để chuyển đổi mua xe điện. Mặc dù sẽ mất thêm một khoản phí, song gia đình tôi đã sẵn sàng và ủng hộ” - chị Huyền bày tỏ quan điểm.

Anh Hoàng Văn Đức ở quận Long Biên cũng cho biết: "Mặc dù thu nhập không cao song tôi ủng hộ việc chuyển đổi phương tiện xanh, sạch. Tôi mong rằng, khi thành phố chuyển đổi sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ người dân".

Giải pháp chuyển đổi xanh

TS Nguyễn Đình Thạo - giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải - cho biết, hoạt động vận tải hiện nay chủ yếu đang sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính. Theo nghiên cứu, mỗi một xe ôtô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250-252g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong 1 năm thì lượng CO2 mà một xe ôtô này thải ra môi trường là 3 tấn.

Theo tính toán, năm 2023, lượng khí thải nhà kính trên toàn lãnh thổ Việt Nam đạt mức gần 90 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tiếp theo.

Năm 2021, khi chúng ta tham gia cam kết với Liên Hợp Quốc về việc đưa phát thải về 0 vào năm 2050 tại COP26 thì câu chuyện không còn chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải nữa mà phải là giảm phát thải về 0. Mục tiêu đưa ra là năm 2050 sẽ đưa phát thải về 0, có thể nói đây là mục tiêu vô cùng thách thức.

Để giảm phát thải về 0, nguyên tắc chung cần thực hiện là chuyển từ phát thải cao về thấp và chuyển từ phát thải thấp về 0. Muốn thực hiện được điều này thì phải chuyển đổi năng lượng. Tức là chuyển từ năng lượng phát thải cao sang năng lượng sạch. Bản chất của chuyển đổi năng lượng chính là chuyển đổi công nghệ. Bên cạnh đó, phải chuyển đổi công thức, từ công thức phát thải cao sang phát thải thấp.

Trong ngành GTVT có những trụ cột để giảm phát thải nhà kính như tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu; chuyển đổi phương thức từ phát thải cao về thấp; chuyển đổi phương tiện. Trong bối cảnh phát thải ròng bằng 0… những trụ cột khác như quản lý nhu cầu; chuyển đổi nhu cầu để thải loại những phương tiện cũ; thu giữ carbon… Để đạt được mục tiêu đưa phát thải về 0 thì chúng ta không những phải tăng cường cường độ mà còn phải bổ sung thêm nhiều giải pháp nữa.

Còn theo ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng Hà Nội, thành phố vừa được Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, trong đó có một số vấn đề về môi trường, chuyển đổi năng lượng hóa thạch. Sở GTVT hiện đang tổ chức triển khai và trình đề án thực hiện trong thời gian sớm nhất. Vừa qua HĐND TP đã họp và ban hành Quyết định 19, trong đó liên quan đến sự cần thiết của đề án phát triển phương tiện xanh của Hà Nội.

"Theo tôi, việc giảm khí thải phương tiện xanh cần thực hiện đồng bộ theo chuỗi vì hiện nay trên địa bàn TP có một số điểm dừng xe buýt mà nhà chờ trở thành điểm thu gom rác thải, như vậy sẽ không thể xanh được. Ngoài phương tiện xanh là xe buýt hay đường sắt xanh thì thêm một điều cần xanh là từ thái độ của lái xe nhân viên bán vé. Xe xanh mà thái độ không xanh cũng chưa phải là xanh" - ông Phương nhấn mạnh.

Thời gian qua, 10 tuyến buýt xanh đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh. Chúng ta đã có xe buýt xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, TP và cả các DN rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô.

Thống kê, tại Hà Nội, mỗi năm số phương tiện tăng khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng 32.750 xe, mỗi ngày tăng 1.100 xe. Hiện nay Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm hơn 6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ôtô các loại, chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện đến từ các địa phương lân cận.

Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay (khoảng 10%/năm), theo dự báo đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ có khoảng 1,3 triệu ôtô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 sẽ có khoảng 1,7 triệu ôtô và 7,7 triệu xe máy. Như vậy, phương tiện cơ giới cá nhân khi này sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị từ 7,5 - 10,6 lần.

Nguồn: https://laodong.vn/xe/de-xuat-han-che-xe-xang-de-cuu-moi-truong-1418450.ldo